Nguồn gốc, ý nghĩa phong tục ngày Tết ông Công, ông Táo

Năm hết Tết đến, ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt Nam,các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn đưa ông Táo về trời (có người cúng 22 tháng Chạp).

Ông Táo còn gọi là Táo Quân, hay Thổ Công là vị Thần trông coi mọi hoạt động của gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, do vậy theo dân gian thì đây là vị thần liên quan đến việc họa, việc phúc của gia chủ.

Theo dân gian thì ông Táo hay Thổ Công gồm có 3 vị (2 ông, 1 bà), có nơi còn gọi là vua Bếp và truyền thuyết về sự tích như sau: Xưa có người tên là Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi, nhưng ăn ở với nhau đã lâu mà đường con cái muộn mằn, sinh ra buồn phiền, xích mích. Một hôm Trọng Cao đánh vợ, Thị Nhi bực tức bỏ nhà ra đi và gặp Phạm Lang, tạo cuộc sống mới nên vợ nên chồng. Trọng Cao ân hận, bỏ công ăn việc làm, đi khắp mọi nơi tìm vợ và trở thành người hành khất cho qua ngày. Có lần Trọng Cao vào một nhà xin ăn, được bà chủ mang cơm ra đãi. Trọng Cao nhận ra bà chủ là Thị Nhi và bà chủ cũng nhận rõ người hành khất là chồng cũ của mình. Hai người ân hận, hàn huyên, lại sợ Phạm Lang gặp về bắt gặp thì khó nói nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách lo liệu cho êm đẹp. Trọng Cao mệt mỏi ngủ thiếp trong đống rơm. Lúc đó Phạm Lang về nhớ việc thiếu tro bỏ ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc nhanh chóng xảy ra, Thị Nhi chạy ra thấy vậy, quá xúc động thương tình liền nhảy vào đống lửa chết theo Trọng Cao. Thấy vợ chết cháy, Phạm Lang thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đó. Như vậy, hai ông một bà đều bị chết cháy. Thượng đế thương tình bà người sống có nghĩa, có tình nên phong cho làm Táo Quân và giao cho Phạm Lang là Thổ Công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.

23 tháng Chạp ông Táo lên chầu trời

Thường thì chiều 22 tháng Chạp làm lễ tiễn Táo Quân, để 23 tháng Chạp ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ, đến trưa 30 tháng Chạp thì có mặt tại nhà  để tiếp tục công việc…

Từ sự tích trên nên sắm mũ Thổ Công thường có ba chiếc, một của nữ thần, hai của nam thần. Hoặc chỉ sắm một chiếc mũ nam thần có cánh chuồn kèm theo là áo và hia cùng bệ bằng giấy là được.

Theo sách Nam Định địa dư chí của tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh thì viết rằng mũ và áo của Táo Quân màu vàng. Nhưng có sách lại nói màu sách tùy thuộc từng năm, ứng với các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bài vị thờ Táo Quân thường chỉ đề: “Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân”

Hoặc: “Bản Thổ phúc đức Tôn Thần” (Vị thần định sự phúc đức cho gia đình).

Có người quan niệm Táo Quân là vị chủ thứ nhất của nhà: “Đệ nhất gia chi chủ” nên khi cúng lễ đều phải khấn Táo Quân trước.

Lễ vật trên ban Thổ Công, ngoài mũ, áo, hia, bài vị còn có thêm cây mía (làm gậy chống), giấy vàng, giấy bạc, trầu nước, hoa quả. Những ngày lễ lớn đặc biệt là ngày 23 tháng Chạp thì có thêm cỗ mặn (xôi, rượu, thịt), một con cá chép sống. Lễ xong sẽ phóng sinh cá chép ra ao hoặc sông, cá chép sẽ hóa rồng đưa Thổ Công lên trời.

                                                                                                 Cá chép sẽ hóa rồng đưa Thổ Công lên trời.